Xét về cảm hứng và lịch sử, body art vốn không xa lạ với người Việt cổ, thậm chí nó từng là nền tảng văn hóa (Văn Lang có nghĩa: chàng trai vẽ mình). Thế nhưng, xét như một bộ môn nghệ thuật độc lập và chịu ảnh hưởng bởi phương Tây, thì việc tiếp nhận và thực hành trong khoảng 5-10 năm qua tại Việt Nam còn nhiều điều cần phải bàn.
Dưới góc độ lý thuyết, nghệ sĩ Như Huy và Trần Lương bày tỏ quan niệm của mình; dưới góc độ thực hành, Phương Vũ Mạnh và Ngô Lực chia sẻ các kinh nghiệm thực tế.
Tiếp nhận…
Như Huy:
Body art là gì? Trong cả hai từ điển của nhà Oxford, Từ điển thuật ngữ nghệ thuật, Michael Clarke, 2001, và Từ điển nghệ thuật và nghệ sĩ, Ian Chilvers, 2003, đều định nghĩa body art là một dạng nghệ thuật (một trào lưu nghệ thuật) mà ở đó “các nghệ sĩ sử dụng chính thân thể của mình làm chất liệu nghệ thuật”.
Như vậy, có lẽ ở đây ta cần phân biệt rõ, body art, tức một dạng nghệ thuật có liên quan rất nhiều tới nghệ thuật trình diễn, tức dạng nghệ thuật mà ở đó bản thân nghệ sĩ chính là chất liệu trình diễn, qua đó, biến bản thân vừa là khách thể, vừa là chủ thể của hành động nghệ thuật, với cái gọi là body painting (vẽ lên thân thể) ở Việt Nam, tức dạng nghệ thuật sử dụng thân thể “người khác” như chất liệu để vẽ lên. Đây dứt khoát là hai việc hoàn toàn khác nhau và không nên có sự lầm lẫn về cả khái niệm và thuật ngữ.
Như thế, nói về nghệ thuật vẽ thân thể, cũng có nghĩa là nói về một dạng nghệ thuật mà thân thể là một thứ toan, và họa sĩ là chủ thể sáng tạo – vẽ lên thân thể đó. Chính vì thế, về mặt mô hình, dạng nghệ thuật vẽ lên thân thể (body painting), nhìn tới cùng, vẫn chỉ là một dạng painting (hội họa) và vì thế, về cơ bản, nó vẫn phải tuân theo hầu hết các tiêu chuẩn của mô hình nghệ thuật hội họa, như bố cục, màu sắc, các phương pháp tạo ảo giác về mặt thị giác. Có khác chăng, đó là việc tấm “toan” này, giờ đây không nằm im, phẳng, tĩnh để mặc cho các giải pháp của tác giả nữa, mà bản thân nó cũng tạo ra các khả năng mới như chuyển động, hay tạo ra các ám gợi mới về giới tính cũng như về một vật thể ba chiều thực sự (về mặt này nó tương tự như điêu khắc vậy).
Siêu mẫu Gisele Bundchen trong một tác phẩm body art |
Vì lẽ đó, dù về cơ bản, các họa sĩ thực hành với dạng hội họa trên thân thể vẫn sử dụng các phương pháp chung của việc vẽ tranh, song, các khả năng mới từ một “chất liệu” mới cũng sẽ thách thức anh/chị ta trong việc tạo nên một vật thể nghệ thuật, giờ đây đã không còn triệt để là một đối tượng vô hồn như tấm tole trắng khi xưa, mà bản thân nó cũng đã mang theo các ám gợi, các sự chuyển động và các phản ứng sinh học. Ý thức được và có khả năng giải quyết được yếu tố mới mẻ này, một họa sĩ vẽ lên cơ thể mới có thể tạo ra được một tác phẩm tốt.
Tôi không có dịp được xem nhiều các tác phẩm hội họa vẽ lên thân thể của các nghệ sĩ Việt Nam, song qua những gì tôi thấy được, tôi có cảm giác bản thân hội họa vẽ lên thân thể ở Việt Nam có lẽ vẫn chỉ ở mức độ ban đầu, có nghĩa là nó hình như chưa đủ sức mạnh để thoát ra thành một thực hành độc lập, có thông điệp riêng và mới mẻ, có không gian xuất hiện riêng và ghi dấu ấn của mỗi người thực hành khác nhau. Nói đúng hơn, theo những gì tôi quan sát, có lẽ là ở Việt Nam dạng nghệ thuật này mới chỉ dừng ở mức độ giải trí, hay là một vai diễn phụ cho các sự kiện mang tính biểu diễn và giải trí khác. Gần đây tôi mới được xem vài tác phẩm hội họa trên thân thể do nghệ sĩ trẻ Nguyễn Tấn Minh Tường (nghệ danh Beo) thực hiện, và tôi cảm thấy rất thú vị. Theo thiển ý của tôi, ở Việt Nam hiện nay, Minh Tường có lẽ là một trong số ít người làm việc trong sự hiểu về chất liệu này. Một số tác phẩm của anh đã cho thấy nỗ lực thoát ra khỏi tính trang trí cắt dán đơn thuần (theo kiểu tô màu lên người mẫu) để tìm cách làm cho chính cơ thể được vẽ hợp làm một được với các ý tưởng (về màu sắc, bố cục hay chất liệu) của nghệ sĩ.
Trần Lương:
Phải xem lý do việc tiếp nhận và thực hành body art ở Việt Nam gần đây xuất phát từ nhu cầu gì: Để thực hành nghi lễ tôn giáo? Để tự vệ và khẳng định đặc điểm của bộ lạc? Để cổ vũ thể thao, tuyên truyền cho lợi nhuận kinh tế hay chính trị? 3 lý do trên có vẻ không phải là lý do và động lực của body art ở Việt Nam gần đây. Vậy body art chỉ có thể xuất phát từ niềm đam mê nghệ thuật vẽ trên cơ thể như một phần của nghệ thuật hàn lâm, và đôi khi được vận dụng vào công nghệ giải trí.
Nếu vẽ lên cơ thể cho mục đích với nhiều yếu tố dùng như ở 3 lý do đầu, thì chất lượng của art (nghệ thuật) không là đòi hỏi hàng đầu. Còn muốn tác phẩm có chất lượng của một loại hình nghệ thuật hàn lâm, thì ngoài niềm đam mê, người nghệ sĩ sáng tạo cần hội đủ các yếu tố: trí thức hàn lâm, kỹ năng và tài năng.
Vẽ lên người (hay có thể trên súc vật) thì cũng cần những điều kiện cơ bản của người vẽ tranh. Hay nói cách khác muốn một tác phẩm body art thành công trong cảm xúc và mục đích biểu đạt, thì nghệ sĩ cũng cần có những yếu tố cơ bản như trí thức hàn lâm, kỹ năng và cả tài năng. Có thể suy ra vẽ tranh chưa hay thì khó có thể làm body art hay, hoặc đã là tác giả body art thành công thì cũng đầy khả năng là một họa sĩ vẽ tranh thành đạt.
Điểm khác với vẽ tranh, body art vẽ trên không gian 3 chiều, đối tượng không những luôn chuyển động, mà có đặc điểm rất đa dạng, nhạy cảm với luân lý, đạo đức, quy ước xã hội. Và bằng các giác quan, đối tượng luôn nhạy cảm với va chạm, nhiệt độ, mọi vật chất, hóa chất từ tự nhiên đến nhân tạo… Vẽ trên người mẫu (hoặc súc vật) không giống như vẽ trên toan trắng!
Những màn trình diễn thế này vẫn chưa tách khỏi vai trò |
Tôi chưa thấy thuyết phục từ sự xuất hiện của body art ở VN vì các lý do:
1. Kỹ năng hàn lâm còn yếu quá! Không thấy có phong cách nào rõ ràng, vẫn tút tát cổ lỗ như thời hội họa ấn tượng. Nếu vẽ ấn tượng hay biểu hiện mà sạch nước cản thì cũng đỡ, nhưng khổ nỗi hòa sắc lại yếu, bút pháp thì không nhất quán…
2. Các nghệ sĩ vẽ lên người mà như vẽ lên tường! Khi xem body art không thấy sự tác động ngược lại từ tinh thần của người mẫu, hay sự đối thoại giữa nghệ sĩ với người mẫu. Thật thất vọng khi các nghệ sĩ hầu như chọn người như mẫu thời trang để vẽ lên. Đây là loại ngoại hình bắt mắt về giới tính, nhưng trung tính về cảm thức xã hội, chỉ dùng cho giải trí thôi, khó gợi ý được tầng lớp xã hội, hoàn cảnh, thân phận, và những phát triển ẩn dụ.
3. Nếu có các mẫu người điển hình, gợi ý tưởng và cảm xúc để sáng tạo. Thì tất yếu sẽ xuất lộ tư tưởng, cá tính, các vấn đề của cá nhân, của xã hội và con người nói chung. Thiếu những điều này body art không thành con đường, không thành nền móng và chỉ dừng là một phương tiện nhỏ trong công nghiệp giải trí mà thôi!
Phương Vũ Mạnh:
Thực ra nghệ thuật xăm hình có thể nói là tiền thân của nghệ thuật body painting, nhưng nghệ thuật xăm hình mới chỉ mang tính trang trí với những chỉ ấn hình học trên cơ thể đó một lần duy nhất. Còn nghệ thuật body painting đã đi đến với nghệ thuật cộng đồng, mang hơi thở của xã hội đương thời thông qua ý tưởng sáng tạo của người nghệ sĩ và đặc biệt là trên mỗi cơ thể con người có thể thay đổi hình học và ý tưởng cho mỗi lần vẽ khác nhau. Nghệ thuật xăm hình của thổ dân xưa kia thiên về trang trí và tâm linh, họ xăm lên mình những hình tượng đẹp, tượng trưng cho thế giới thần quyền nào đó mà họ tôn thờ và đặt lòng tin vào đó khi mà khoa học chưa phát triển đủ để giải thích các hiện tượng thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp…
Những ngư dân vùng biển thường xăm lên mình những thủy quái, các thợ săn ở vùng núi thì xăm lên mình những hình hoa lá chim muông để ngụy trang lẫn vào với thiên nhiên khi đi đánh bắt. Ngoài ra họ còn xăm lên mình những hình như bùa chú để phục vụ cho những buổi tế lễ thần linh của họ.
Người Việt cổ cũng như những người thổ dân trên thế giới đều có những nét tương đồng trong việc xăm hình. Chúng xuất hiện rộng rãi trên toàn thế giới, từ Đông sang Tây, nơi nào cũng có, thịnh nhất từ thời Đồ đá mới. Rất nhiều xác ướp được tìm thấy từ thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên ở Ai Cập hay Siberia cho thấy rõ điều này. Một số xác ướp nổi tiếng có hình xăm như Otzi The Iceman, xác ướp của Amunet…
Nghệ thuật xăm mình và vẽ lên thân thể của thổ dân thế giới nói chung là nhằm mục đích làm đẹp, mục đích tôn giáo và phô trương giai cấp. Riêng người Việt cổ thì ngoài mục đích làm đẹp, mục đích tôn giáo thì nghệ thuật xăm mình và vẽ lên thân thể còn được dùng vào việc đánh giặc ngoại xâm. Trong sách Lĩnh Nam chích quái (phần Hồng Bàng thị truyện) viết khá rõ về điều này.
Ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại mà môi trường, thiên nhiên đang bị tổn thương từng ngày, cho nên body painting cũng một phần đề cập đến điều đó.
Ngô Lực:
Xét về các thực hành, Việt Nam vẫn chưa làm được gì nhiều để mà so sánh, vì trên thế giới, body painting là loại hình đã đi vào đời sống, họ đã sử dụng ở bất kỳ nơi đâu có nhu cầu trang trí lên cơ thể, giống như lễ hội, event, quảng cáo sản phẩm… thậm chí là party sinh nhật gia đình. Đây cũng là bộ môn được đưa vào dạy cho sinh viên các trường nghệ thuật. Có một khác biệt rất buồn cười trong tâm lý người Việt là khi đứng trước tác phẩm body painting của nước ngoài thì thường tự nhủ đó là nghệ thuật, còn đứng trước body painting của người Việt thì lại bàn luận về vấn đề khỏa thân.
Xem body painting với lăng kính nào? |
Trần Lương:
Muốn phát triển nghệ thuật này, theo tôi, cần khuyến khích tổ chức các show trình diễn, các cuộc thi body art gắn với các vấn đề xã hội có tính phát triển; Mời các nghệ sĩ quốc tế đến giao lưu, trình chiếu, trao đổi và mở workshop; Đưa body art vào thực hành một số giờ trong trường chuyên nghiệp như các môn mỹ thuật khác.
Như Huy:
Như đã nói, body art là một phạm trù hoàn toàn khác. Tuy nhiên, nếu nói về body painting (tức nghệ thuật vẽ lên thân thể), có lẽ tôi cho rằng đường hướng duy nhất của nó là nên tìm cách tách biệt khỏi các vai trò phụ trợ (trong các buổi biểu diễn ca múa nhạc), hay đậm tính trang trí (dùng làm bìa cho các tạp chí thời trang ăn khách chẳng hạn), hoặc chỉ là một dạng công cụ giải trí có tính trị liệu giúp giết thời gian trống của những công chúng tò mò. Theo thiển ý tôi, nó phải tìm cách trở nên một thực hành độc lập, tạo nên không gian nhận thức và mỹ học của riêng nó, cũng như tìm cách mang chuyển thành công những thông điệp xa hơn dạng thông điệp thị giác đơn thuần – ở đây tôi muốn nói tới các thông điệp xã hội.
Chỉ bằng cách đó – có lẽ nghệ thuật vẽ lên thân thể (mà cũng có thể nói mọi dạng nghệ thuật nào khác) mới có thể đạt tới được lý do tồn tại của nó mà thôi
Phương Vũ Mạnh:
Nghệ thuật body painting tại Việt Nam còn chưa được phổ biến rộng vì thế các mối liên hệ cần thiết và hữu ích cho xã hội còn chưa được khai thác triệt để. Bản thân tôi vẫn nỗ lực từng ngày để đưa nghệ thuật này từng bước đến với công chúng, cũng như giúp họ ngày một hiểu hơn về cái đẹp, cái hay và cái hữu ích của nghệ thuật này. Theo tôi nghĩ, với xã hội đang phát triển và bận rộn này, con người đang lao vút vào khoảng trống của cái đẹp để giành giật những tiện nghi và lợi nhuận thì body painting sẽ giúp chúng ta cân bằng lại tâm thái để làm tốt hơn cho tương lai.
Ngô Lực:
Nếu thực sự được áp dụng rộng rãi và chuyên nghiệp nó sẽ xóa cái mặc cảm thông thường, lạc hậu của người Việt khi luôn gán ghép tất cả những gì liên quan đến cơ thể khỏa thân là vi phạm thuần phong mỹ tục. Nó sẽ mở ra ngành trang trí, thời trang, quảng cáo, sự kiện… trở nên phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, nó sẽ chẳng có tương lai gì nếu các nghệ sĩ luôn làm việc trong tình trạng lén lút, khó khăn về mặt kiểm duyệt, cũng như đại đa số công chúng còn xem body painting với lăng kính của nhục dục!
Văn Bảy (ghi)
Source: Báo Thể Thao Văn Hóa